Bệnh giả dại (Aujeszky’s Disease – AD) là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Herpesviridae gây ra, có cấu trúc ADN và vỏ bọc ngoài. Virus này có khả năng tấn công nhiều hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể heo, tùy theo tuổi, miễn dịch và tình trạng trại. Hiểu rõ cơ chế virus xâm nhập và gây bệnh sẽ giúp bà con chủ động hơn trong kiểm soát, điều trị và phòng ngừa.
Virus AD thường xâm nhập vào cơ thể heo qua các đường chính:
Đường hô hấp: qua không khí, tiếp xúc với dịch mũi, nước bọt
Đường tiêu hóa: do liếm, nuốt virus có trong thức ăn, nước uống, phân
Ngoài ra, virus có thể truyền qua tinh dịch, nhau thai và dịch tiết sinh dục
Sau khi xâm nhập, virus sẽ nhân lên tại niêm mạc mũi, hầu họng và nhanh chóng lan ra toàn thân theo hệ thống bạch huyết và thần kinh.
Một trong những đặc điểm nguy hiểm của virus AD là khả năng xâm nhập hệ thần kinh thông qua dây thần kinh khứu giác, sau đó lan đến não và tủy sống.
Virus gây:
Nhiễm huyết siêu vi, phá vỡ hàng rào máu–não
Tổn thương tế bào thần kinh, gây các triệu chứng thần kinh như: xoay vòng, bơi chèo, co giật mắt, liệt cơ
Ở heo con, đây là nguyên nhân chính gây tử vong nhanh và gần như không hồi phục nếu không có kháng thể bảo vệ.
Khi virus xâm nhập phế quản và phế nang, sẽ gây hoại tử mô phổi, dẫn đến viêm phổi do virus. Tình trạng này khiến heo suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn kế phát xâm nhập.
Các vi khuẩn thường gặp:
Mycoplasma hyopneumoniae (MH)
Pasteurella multocida (PM)
Haemophilus parasuis (HP)
Streptococcus suis (SS)
Kết quả là heo thường có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi, kém ăn, kéo dài thời gian nuôi và tăng tỷ lệ loại thải.
Virus AD ảnh hưởng trực tiếp đến tử cung, buồng trứng, tinh hoàn, gây chết phôi, chết thai hoặc sảy thai.
Có thể truyền qua nhau thai, làm heo con chết lưu hoặc sinh ra yếu
Nái bị nhiễm có thể giảm tỷ lệ đậu thai, tăng nái lốc
Nếu virus đi vào theo tinh dịch từ heo nọc mang trùng, hậu quả càng âm thầm nhưng nguy hiểm
Hệ quả là năng suất sinh sản suy giảm, ảnh hưởng đến kế hoạch phối giống và hiệu quả kinh tế chung của trại.
Ngoài gây tổn thương trực tiếp, virus AD còn làm suy yếu hệ miễn dịch của heo bằng cách tấn công vào các tế bào lympho và mô lympho trong đường tiêu hóa và hô hấp.
Hệ quả:
Giảm hiệu quả của các vắc-xin khác (PRRS, Mycoplasma…)
Heo dễ mắc các bệnh kế phát
Khó kiểm soát bệnh khi kết hợp nhiều tác nhân gây bệnh cùng lúc
Do đó, AD không chỉ là một bệnh đơn lẻ, mà còn là “cửa ngõ” cho nhiều bệnh kế phát khác xâm nhập, đặc biệt trong các trại không thực hiện an toàn sinh học chặt chẽ.
Virus AD không chỉ gây một triệu chứng cố định mà có thể phá hủy nhiều hệ cơ quan cùng lúc. Một khi đã lan trong trại, thiệt hại không chỉ nằm ở số heo chết mà còn kéo dài ở năng suất, miễn dịch, chi phí điều trị và chất lượng đàn sau này.
Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu các biện pháp kiểm soát và loại trừ AD trong trại chăn nuôi, từ cách ly, loại thải đến các bước xét nghiệm và tiêm phòng cụ thể.