Một trong những cách đơn giản nhất để nhận biết stress nhiệt ở heo là quan sát nhịp thở. Khi thời tiết nóng bức, nhiệt độ chuồng cao, heo bắt đầu thở nhanh hơn để cố gắng thoát nhiệt.
Dưới đây là bảng tổng hợp các mức độ stress nhiệt và biểu hiện tương ứng:
Mức độ stress | Biểu hiện trên heo | Tần số hô hấp (lần/phút) |
Không stress | Heo ăn uống tốt, da hồng hào | 8 – 18 |
Báo động | Heo ăn kém, da ửng đỏ nhẹ | 35 – 40 |
Nguy hiểm | Heo thở dốc, giảm ăn rõ rệt | 80 – 100 |
Nguy cấp | Bỏ ăn hoàn toàn, thở hổn hển | 120 – 160 |
Nhịp thở trên 100 lần/phút là dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm, báo hiệu cơ thể heo không thể tự điều hòa thân nhiệt nữa. Nếu không làm mát kịp thời, heo có thể chết chỉ sau vài giờ.
Nhiệt độ cao khiến heo ăn ít hơn, đôi khi bỏ ăn hoàn toàn. Điều này kéo theo:
Suy giảm năng lượng và hấp thụ dinh dưỡng, heo chậm lớn hoặc sụt cân.
Rối loạn tiêu hóa, dễ bị tiêu chảy.
Giảm hiệu quả chuyển hóa thức ăn (FCR) – ăn nhiều mà không lớn.
Suy giảm sức đề kháng, dễ nhiễm các bệnh cơ hội.
Các bệnh thường gặp khi heo bị stress nhiệt gồm:
PRRS (hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp)
Suyễn do Mycoplasma hyopneumoniae
Viêm phổi do tụ huyết trùng, APP
Nhiễm khuẩn máu do Streptococcus
Đây đều là những bệnh nguy hiểm, dễ lây lan trong điều kiện chuồng nóng, ẩm và bí khí.
Một thống kê cho thấy, khi nhiệt độ chuồng nuôi tăng từ 22°C lên 30°C, hậu quả là:
Số ngày nuôi kéo dài thêm 25 ngày để đạt trọng lượng xuất chuồng.
Tăng trọng trung bình (ADG) giảm gần 130g/ngày.
Hiệu quả chuyển hóa thức ăn (FCR) tăng, nghĩa là tốn thêm cám mà heo lại không lớn tương ứng.
Nhiệt độ (°C) | Ngày nuôi | ADG (g/ngày) | FCR (kg cám/kg thịt) |
22°C | 115,3 | 697 | 2,50 |
26°C | 120,5 | 666 | 2,49 |
30°C | 140 | 572 | 2,56 |
Từ đó thấy được nhiệt độ càng cao, heo càng kém hiệu quả tăng trưởng.
Ở heo thịt hoặc heo nhỡ, stress nhiệt thường biểu hiện rõ rệt:
Thở hổn hển, nằm bẹp, tránh ánh sáng.
Da đỏ ửng, mạch máu nổi rõ.
Giảm ăn, uống nước nhiều, tiểu nhiều.
Lờ đờ, run cơ, không muốn di chuyển.
Nếu bà con để ý thấy đàn heo có nhiều con cùng biểu hiện như vậy trong ngày nóng, cần can thiệp ngay bằng cách:
Mở quạt làm mát, phun sương, hạ nhiệt chuồng.
Pha vitamin C, điện giải vào nước uống.
Cho heo ăn vào sáng sớm và chiều tối mát.
Stress nhiệt kéo dài sẽ gây:
Tăng tỷ lệ heo loại, chết.
Tăng chi phí điều trị, giảm hiệu quả sử dụng thuốc.
Giảm giá trị thân/quầy thịt, ảnh hưởng đầu ra.
Trong một số trường hợp, sẽ xảy ra tình trạng heo chết đột ngột do sốc nhiệt, đặc biệt ở những ngày nắng nóng 37–40°C, hoặc sau các đợt cúp điện, quạt gió dừng hoạt động.
Stress nhiệt là sát thủ thầm lặng, nhưng nếu nhận biết sớm và có biện pháp xử lý kịp thời, bà con hoàn toàn có thể giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ hiệu quả đàn heo.
Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ảnh hưởng cụ thể của stress nhiệt đến heo nái – từ lúc phối giống đến khi đẻ và nuôi con.