Bệnh giả dại (AD – Aujeszky’s Disease) biểu hiện khác nhau tùy theo độ tuổi và tình trạng miễn dịch của từng nhóm heo. Việc hiểu rõ triệu chứng theo từng giai đoạn giúp bà con chăn nuôi nhận biết bệnh sớm, cách ly và xử lý đúng cách, tránh lây lan nhanh trong đàn.
Ở heo nái, AD hiếm khi gây biểu hiện rõ ràng về thần kinh hay hô hấp, nhưng lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến khả năng sinh sản.
Heo nái bị nhiễm qua đường phối giống, ăn uống hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ heo bệnh
Giai đoạn bùng phát đầu tiên thường gây “bão sảy thai”, tỷ lệ sảy thai cao ở mọi giai đoạn mang thai
Thai chết lưu, thai khô, giảm số con đẻ ra, tỷ lệ heo nái đẻ thấp
Sau khoảng 2–3 tháng kể từ khi nhiễm, dù đàn nái đã bắt đầu tạo miễn dịch, vẫn còn tình trạng chết phôi ở tháng đầu thai kỳ
Tăng số nái lốc (không đậu thai), số heo con sơ sinh giảm
Biểu hiện hô hấp nhẹ có thể xuất hiện ở một số nái tơ, nhưng thường bị nhầm lẫn với cảm ho thông thường.
Đây là nhóm dễ tổn thương nhất khi virus AD xâm nhập trại. Heo con có thể nhiễm virus qua nhau thai hoặc sau sinh qua tiếp xúc, bú mẹ, liếm nhau.
Triệu chứng thường thấy:
Sốt cao, thân nhiệt có thể lên đến 41°C
Run rẩy, yếu, nằm bẹp
Xuất hiện triệu chứng thần kinh rõ rệt: bơi chèo, quay vòng, loạn khúc xạ mắt, giật cầu mắt
Liệt cơ hàm, không nuốt được, chảy nước bọt liên tục
Tử vong nhanh trong vòng 1–2 ngày sau phát bệnh
Trong những trại có tiêm phòng tốt, heo con bú sữa đầu có kháng thể mẹ truyền thường được bảo vệ đến 6–8 tuần tuổi, nhờ đó ít biểu hiện triệu chứng nặng.
Heo cai sữa là đối tượng dễ bị nhiễm AD khi ghép bầy, đặc biệt nếu chưa có miễn dịch hoặc vắc-xin chưa kịp phát huy hiệu quả.
Khi không có vắc-xin: có thể xuất hiện triệu chứng thần kinh (khoảng 10% con bệnh)
Khi có tiêm vắc-xin không đúng: tỷ lệ thần kinh nhẹ (1–2%), nhưng chủ yếu là biểu hiện hô hấp (10–30%): ho, chảy nước mũi, sốt, bỏ ăn
Heo bệnh thường yếu, dễ bị vi khuẩn kế phát tấn công
Một số vi khuẩn kế phát thường gặp là Mycoplasma hyopneumoniae, Pasteurella multocida, Haemophilus parasuis, Streptococcus suis... gây viêm phổi, ghép thêm triệu chứng hô hấp phức tạp.
Heo thịt thường bị nhiễm khi ghép bầy trong chuồng nuôi, nhất là nếu trộn lứa hoặc mua heo từ nhiều nguồn khác nhau.
Triệu chứng thường thấy là ho, sổ mũi, hắt xì, sốt, giảm ăn
Tỷ lệ heo bệnh có biểu hiện hô hấp dao động từ 10–30%
Thần kinh hầu như không xuất hiện, trừ khi heo quá yếu hoặc bị tiêm phòng sai lịch
Do các biểu hiện không rõ ràng nên nhiều trại dễ bỏ qua giai đoạn đầu và nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, tạo điều kiện cho virus lây lan âm thầm.
Triệu chứng AD thường không đồng loạt và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm ở một vài con, đặc biệt là heo con thần kinh, nái sảy thai bất thường, cần cách ly ngay và báo bác sĩ thú y để triển khai xét nghiệm chẩn đoán.
Việc chẩn đoán đúng và kịp thời giúp trại kiểm soát ổ dịch, giảm số con bị ảnh hưởng và hạn chế nguy cơ tái phát kéo dài.
Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu cơ chế virus AD tấn công vào cơ thể heo và tại sao nó lại gây nhiều biểu hiện khác nhau đến vậy.