Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng thực phẩm, việc kiểm soát chặt chẽ quy trình phân phối thịt lợn từ trang trại đến bàn ăn đang trở thành ưu tiên hàng đầu tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh. Từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển đến tiêu thụ, thành phố đang dần xây dựng chuỗi giá trị thịt lợn minh bạch, an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn – nơi cung cấp đến 50% lượng thịt lợn cho toàn TP. Hồ Chí Minh, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm diễn ra ngay từ nửa đêm. Mỗi xe chở thịt trước khi vào chợ đều được quét mã, kiểm tra vòng niêm phong và truy xuất nguồn gốc.
Song song với truy xuất thông tin, lực lượng quản lý còn kiểm tra cảm quan thịt, lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để phát hiện sớm thịt nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh. Những thương nhân vi phạm không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn bị đình chỉ kinh doanh trong nhiều ngày – biện pháp được đánh giá có tính răn đe cao.
Nhờ đó, tỷ lệ thịt “bẩn” lọt vào chợ đầu mối đã giảm đáng kể. Tiểu thương ngày càng ý thức hơn trong việc lựa chọn nguồn cung từ các cơ sở có uy tín, minh bạch thông tin và đảm bảo quy trình thú y – giết mổ.
TP. Hồ Chí Minh hiện đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương cung ứng như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu... để triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Gần 3.500 điểm chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh đã được tích hợp vào hệ thống, giúp kiểm soát từng mắt xích trong chuỗi phân phối thịt lợn.
Tại các trang trại ở Đồng Nai – nơi cung cấp hơn 60% thịt lợn cho TP. Hồ Chí Minh – quy trình chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, an toàn sinh học đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Ngành thú y địa phương giám sát chặt từ lúc heo còn trong trại đến khi xuất chuồng, đảm bảo đầu vào chất lượng cho chuỗi thực phẩm thành phố.
Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã áp dụng mô hình chuỗi lạnh: từ giết mổ – pha lóc – đóng gói – vận chuyển thịt lợn theo tiêu chuẩn Châu Âu. Nhờ công nghệ ủ mát, thịt giữ được độ tươi ngon, tăng thời gian bảo quản mà không cần sử dụng chất phụ gia, hóa chất.
Dù hệ thống quản lý ngày càng hiện đại, nhưng nguy cơ thịt kém chất lượng vẫn tiềm ẩn, đặc biệt từ các lò giết mổ nhỏ lẻ, hoạt động tự phát. Việc vận chuyển lén lút, trốn tránh kiểm tra khiến một số lô thịt không đảm bảo vẫn có thể len lỏi vào thị trường.
Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, dù quy trình giám sát đã được thiết lập từ lâu, nhưng vẫn cần tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe. Quan trọng hơn, là cần nâng cao nhận thức của từng khâu trong chuỗi – từ hộ chăn nuôi, thương lái, lò giết mổ đến người kinh doanh.
Chuỗi phân phối thịt lợn chỉ thực sự an toàn khi tất cả các bên liên quan đều hành động với tinh thần trách nhiệm và minh bạch. Việc TP. Hồ Chí Minh duy trì phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, mở rộng chuỗi giết mổ công nghiệp... chính là hướng đi đúng đắn.
Tuy nhiên, để củng cố niềm tin của người tiêu dùng, cần thêm những biện pháp quyết liệt hơn nữa: tăng cường xử lý vi phạm, loại bỏ lò mổ “đen”, đầu tư đồng bộ vào công nghệ bảo quản và đặc biệt là khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn thịt có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Khi chuỗi phân phối thịt lợn được kiểm soát chặt từ đầu đến cuối, không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn nâng tầm giá trị ngành chăn nuôi trong mắt người tiêu dùng hiện đại.